WHO CÔNG BỐ VỀ BỆNH ĐẬU MÙA KHỈ
Theo CNN, tính đến ngày 29/5, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã nhận được báo cáo của 257 ca mắc bệnh đậu mùa khỉ và khoảng 120 trường hợp nghi ngờ tại 23 quốc gia ngoài châu Phi. Tại Mỹ, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) ghi nhận 12 ca mắc ở 8 tiểu bang. Ở 5 quốc gia châu Phi - nơi bệnh đậu mùa khỉ thường được phát hiện - WHO cho biết họ đã nhận được báo cáo về 1.365 ca mắc, 69 trường hợp tử vong. Những ca bệnh này được báo cáo trong nhiều giai đoạn khác nhau từ giữa tháng 12/2021 đến cuối tháng 5. Theo báo cáo tổng quan của WHO, số ca mắc bệnh đậu mùa khỉ là gần 1.500 với nguy cơ của dịch bệnh là trung bình.

Người mắc bệnh đậu mùa khỉ xuất hiện các vết phát ban mưng mủ ở tay hoặc bất kỳ bộ phận nào trên cơ thể. Ảnh: Reuters.
TRIỆU CHỨNG CỦA BỆNH ĐẬU MÙA KHỈ
Các triệu chứng của bệnh đậu mùa khỉ thường bao gồm:
+ Sốt
+ Đau đầu dữ dội
+ Đau cơ, đau lưng
+ Sức khoẻ giảm sút
+ Sưng hạch bạch huyết và phát ban da
- Phát ban thường bắt đầu trong vòng 1 đến 3 ngày sau khi bắt đầu sốt. Tổn thương có thể phẳng hoặc hơi gồ lên, chứa đầy chất dịch trong suốt hoặc hơi vàng, sau đó có thể đóng vảy, khô và bong ra. Số lượng nốt ban có thể từ vài nốt ở tay đến vài nghìn nốt trên khắp cơ thể. Ban có xu hướng tập trung ở mặt, lòng bàn tay và lòng bàn chân.
- Các triệu chứng thường kéo dài từ 2 đến 4 tuần và tự biến mất mà không cần điều trị.

CÁCH PHÒNG TRÁNH BỆNH ĐẬU MÙA KHỈ
- Bệnh đậu mùa khỉ có thể lây nhiễm cho người tiếp xúc gần, tiếp xúc qua da với bệnh nhân, sử dụng chung đồ dùng cá nhân, bát đĩa, muỗng đũa, khăn tắm, ga trải giường...
- Vì vậy để có thể giảm nguy cơ mắc bệnh đậu mùa khỉ hãy cách hạn chế tiếp xúc với những người đã nghi ngờ hoặc mắc bệnh, nên đeo khẩu trang và tránh tiếp xúc qua da, sử dụng găng tay dùng một lần, không sử dụng chung các vật dụng của người bệnh, cần vệ sinh và sát trùng cẩn thận các vật dụng đó sau khi họ sử dụng xong, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và nước hoặc chất tẩy rửa có chứa cồn.
- Đối với người đi công tác hoặc du lịch ở những vùng, quốc gia có dịch bệnh đậu mùa khỉ cần liên hệ cơ quan Y tế để khai báo và kiểm tra theo dõi sức khoẻ. Nếu bạn cho rằng mình có các triệu chứng tương tự như trên, hoặc từng tiếp xúc gần với người bị bệnh đậu mùa khỉ, hãy liên hệ với nhân viên Y tế để được tư vấn, xét nghiệm và chăm sóc. Nếu có thể, hãy tự cô lập và tránh tiếp xúc gần với những người khác.
BỆNH ĐẬU MÙA KHỈ CÓ THUỐC CHỮA KHÔNG?
- Bệnh đậu mùa khỉ ít gây tử vong và người bệnh thường tự khỏi sau khoảng vài tuần. Và hiện nay các cơ quan Y tế cũng đã có vaccine để phòng ngừa virus gây bệnh này để kiểm soát và khống chế dịch thật sớm. Điều quan trọng là chúng ta cần chăm sóc nốt ban bằng cách hạn chế gãi, để chúng tự khô nếu có thể hoặc băng lại bằng gạc ẩm để bảo vệ vùng bị tổn thương nếu cần thiết, có thể súc miệng và nhỏ mắt với điều kiện là tránh sử dụng sản phẩm có chứa cortisone.
- Hiện đã có một số loại vaccine phòng bệnh đậu mùa cũng mang lại khả năng bảo vệ ở mức độ nhất định chống bệnh đậu mùa khỉ. Một loại vaccine mới hơn đã được phát triển để phòng bệnh đậu mùa (MVA-BN – còn gọi là Imvamune, Imvanex hoặc Jynneos) đã được phê duyệt vào năm 2019 để sử dụng trong phòng ngừa bệnh đậu mùa khỉ.
- WHO hiện đang làm việc với nhà sản xuất để nâng cao khả năng tiếp cận. Những người đã được tiêm phòng bệnh đậu mùa trước đây cũng sẽ có khả năng bảo vệ ở mức độ nhất định chống bệnh đậu mùa khỉ.
- Bệnh này không nguy hiểm, chúng ta đừng quá lo lắng, hãy theo dõi thông tin thường xuyên và hạn chế đi đến những nơi đang có dịch bệnh.
